• Germany

Khác nhau giữa các trường Uni, TU và FH?

Các trường ĐH Tổng hợp (Uni), Tổng hợp Kỹ thuật (TU) và ĐH Khoa học ứng dụng (FH) đều “đồng giá trị”, nhưng “khác hình thức”.

CIMG4259

Một thực tế đối với hình thức học tại các trường ĐH này:

– Chỉ học sinh tốt nghiệp Trung học hệ 12/13 năm của Đức (Gymnasium), tức Abitur (allgemeine hochschulreife hay fachgebundene hochschulreife), mới được xin nhập học vào các trường ĐH Tổng hợp (Universitaten) hay trường ĐH Tổng hợp kỹ thuật (Technische Universitaten).

Còn học sinh tốt nghiệp Trung học hệ 12 năm của Đức (hay tương tự), tức Fachabitur (Fachhochschlreife) chỉ được xin nhập học vào các trường ĐH Khoa học ứng dụng (Fachhochschulen).

– Khi học dự bị ĐH (Studienkolleg) của các trường ĐH Khoa học ứng dụng thì sau khi tốt nghiệp thành công (Feststellungsprufung – FSP) chỉ được nhập học vào các Fachhochschulen thôi. Ngược lại, khi học dự bị ĐH của các Universitaten hay Technische Universitaten thì được nhập học vào tất cả các Universitaten, Technische Universitaten và Fachhochschulen sau khi thi thành công Feststellungsprufung.

– Các Fachhochschulen nhiều khi yêu cầu một chứng chỉ xác nhận thực tập vì các đối tượng chính học Fachhochschule thường là những người có tay nghề, đã hoặc đang làm việc và muốn nâng cao trình độ khoa học của bản thân để ứng dụng vào thực tế hàng ngày. Chính vì vậy, chương trình giảng dạy tại Fachhochschulen chặt chẽ và có rút ngắn hơn so với các Universitaten hay tương đương.

(Theo DAAD)

Sự khác nhau giữa Uni và FH không đơn giản như Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam, mà đây là 2 mô hình trường Đại học của Đức với định hướng khác nhau.

Trước hết nói về FH (bao gồm cả những trường FH mới đổi tên thành Hochschule) vì loại hình trường này giống trường Đại học ở VN hơn nên các bạn có thể dễ hình dung hơn. FH là đại học khoa học ứng dụng, tiếng Anh là University of Applied Sciences, với trọng tâm chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học thành các giải pháp ứng dụng cho cuộc sống. Sinh viên học FH không quá đào sâu vào lý thuyết mà được chuẩn bị nhiều hơn để làm việc trong những lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên học FH vẫn là học Đại học (Studium), khác với học nghề (Ausbildung). Đi học nghề là học một nghề cụ thể, học song song 50% thời gian ở trường nghề (Fachschule) và 50% thời gian là trực tiếp làm việc trong công ty, xí nghiệp. Mục đích của học nghề là học chính xác và áp dụng thuần thục những quy trình chuẩn trong nghề đó, học viên học để làm được như các thầy (Meister). Trong khi đó chương trình đào tạo ở FH hướng đến rèn luyện cho sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, khuyến khích tranh luận với thầy cô, đồng nghiệp hay tìm ra các giải pháp mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Cuối cùng nói đến loại hình trường Uni hay TU. Theo đúng truyền thống của Đức thì định hướng của Uni là nghiên cứu khoa học và trang bị cho sinh viên có kiến thức toàn diện, sâu rộng, phát triển bản thân (“freier Geist”), chứ không phải là để đào tạo ra làm 1 nghề cụ thể. Vì thế muốn thành bác sỹ thì học xong Uni ngành Y phải đi học tiếp Facharzt, muốn thành Luật sư hay Giáo viên thì học xong Uni phải đi đào tạo thực tiễn (Referendariat), học Báo thì học xong Uni phải đi học tiếp ở trường viết báo hay tòa soạn (Volontariat)… Các ngành khác (Kinh tế, Kỹ thuật, Xã hội…) thì không cần chính thức phải đi học thêm ở đâu mà có thể đi xin việc ngay, tuy nhiên khi bước vào công việc thì phải tự học thêm để đáp ứng được những yêu cầu cụ thể của công việc. Sinh viên tốt nghiệp Uni thường than phiền vì họ không có định hướng cụ thể và thiếu kiến thức thực tiễn, bù lại họ có tư duy tổng hợp và tính năng động cao, có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sinh viên tốt nghiệp FH có thể tìm được việc làm nhanh hơn, còn xét về lâu dài thì người tốt nghiệp Uni có cơ hội thăng tiến và thu nhập cao hơn. Nhiều sinh viên sau 1-2 năm học Uni thấy quá khó và mông lung đã chuyển sang FH, cũng có nhiều người sau khi tốt nghiệp FH đi làm vài năm họ lại vào Uni học thêm lên. Tóm lại là cơ hội lập thân lập nghiệp không phân biệt bạn học ngành gì và học ở trường nào, chỉ phân biệt bạn có phải là người giỏi trong cái việc bạn đang làm hay không mà thôi!

Cao Bảo Ngọc.

Vẫn có bạn hỏi mình sự khác nhau giữa Uni, FH và TU nên mình sưu tầm lại các bài viết để các bạn đọc tham khảo nhé!

 

Comments

comments

1 thought on “Khác nhau giữa các trường Uni, TU và FH?

Comments are closed.