• Germany
Du Học
Chọn Ngành Học và Trường Đại Học ở Đức

Chọn Ngành Học và Trường Đại Học ở Đức

Vấn đề chọn Ngành học và Trường Đại học luôn là một vấn đề hàng đầu được nhiều bạn du học sinh Đức quan tâm. Vậy nên mình viết bài này để giúp cho các bạn có một cái nhìn tổng quát về việc chọn ngành học và trường đại học ở Đức. Hãy lựa chọn ngành học thật kỹ càng để không phải hối tiếc .

IMG_3676

I. Chọn Ngành Học

Lựa chọn ngành học theo xu hướng hoặc số đông là sai lầm của nhiều bạn. Hiện nay có nhiều bạn sinh viên chỉ quyết tâm du học đại học Đức khối kinh tế vì ngành này đang được chuộng hay chọn ngành kỹ thuật vì có cơ hội ở Đức để có thể dễ dàng xin việc mai này.

Thực tế ở Đức vẫn có những bạn học kinh tế ra có việc làm tốt , có những bạn học ngành kỹ thuật ra vẫn chật vật với xin việc . Cho dù bạn vẫn nghe là ngành kinh tế khó xin việc hơn với ngành kỹ thuật. Chưa kể chuyện xin việc còn khó nói vì nó tùy thuộc nhiều yếu tố : bảng điểm, năng lực , thời điểm ..hay có khi đơn giản là may mắn.

Nếu bạn thích học các ngành xã hội như Giáo dục học , Ngôn ngữ học hay Đức ngữ thì đừng ngại ngần cứ theo đuổi nó. Mình biết có những bạn học Đức ngữ và nghe những lời nói của các bạn học ngành khác như là “Học ngành này sao mà xin được việc ở Đức” …hay ” chỉ có xách va li về nước”. Thế nhưng mình đã gặp những người học Đức ngữ và đang rất thành công tại Đức như chị Phương , hiện đang công tác tại  Đại học tổng hợp Köln.

Chọn ngành học đừng chỉ chạy theo số đông mà hãy chọn theo đam mê và sở thích . Bạn không biết rằng cho tới khi bạn ra trường thì thị trường sẽ thiếu hụt lao động và cần tuyển dụng ở lĩnh vực nào chắc chắn cả. Không có dự đoán nào là hoàn toàn chính xác bởi thị trường tuyển dụng luôn thay đổi .

II. Chọn trường Đại Học

1. Loại hình trường đại học : Uni – TU – FH

Lựa chọn loại hình trường đại học là trăn trở của nhiều bạn sinh viên. Các bạn vẫn biết về tranh cãi giữa giá trị bằng cấp giữa Uni và FH , về khả năng làm việc cũng như mức lương sau khi tốt nghiệp.  Theo mình, bạn hãy bắt tay vào tìm hiểu kỹ loại hình trường đại học nào phù hợp với bản thân nhất.

Hệ thống đại học ở Đức được chia làm 3 loại chính đó là Universität (Đại học tổng hợp – gọi tắt là Uni) , Technische Universität (Đại học kỹ thuật) hay Fachhochschule hoặc gọi là Hochschule (Đại học ứng dụng)

Để hiểu kỹ hơn về các loại hình đào tạo này các bạn đọc kỹ bài viết này : Khác nhau giữa Uni – TU – FH

2. Theo bảng xếp hạng

Có nhiều bạn sinh viên hỏi mình học đại học ở Đức thì học ở đâu là tốt, nên chọn học thành phố lớn hay nhỏ, học bên Đông hay Tây. Thực ra chất lượng học tập ở các trường đại học công lập trên Đức khá là đồng đều nhưng xếp hạng khác nhau do phần nhiều ở lĩnh vực nghiên cứu của trường. Mình vẫn thấy học ở đâu cũng được chứ nếu học ở các trường hàng đầu thì thường sẽ chật vật ra trường, điểm số có thể không được cao và giảng viên không quan tâm được nhiều đến sinh viên.

Mình vẫn chỉ cách cho các bạn tìm hiểu về bảng xếp hạng trường đại học và các ngành học ở Đức nhé.

Bảng xếp hạng uy tín thế giới như  QS World University Ranking, Shang Hai Ranking , The Times Higher Education Supplement

Bảng xếp hạng uy tín của Đức như CHE University Ranking Đọc thêm về CHE University Ranking 2015/16

giúp bạn dễ dàng tra cứu xếp hạng các ngành học ở các trường Đại học khác nhau.

Nhóm các trường đại học tổng hợp thuộc “Eliteuniversität” (Elite University) hay nhóm các trường đại học kỹ thuật hàng đầu được gọi là “TU 9

3. Lực học

Tùy thuộc vào lực học và điểm số của bạn thì nên chọn trường đại học ở xếp hạng cao hay tầm trung. Thường chỉ tiêu cho sinh viên quốc tế tại các trường đại học Đức chỉ khoảng 10%.  Ví dụ đối với ngành học chỉ lấy 30 sinh viên một năm thì chỉ lấy có 3 sinh viên quốc tế. Trong 3 sinh viên quốc tế đó thường sẽ có quốc tịch khác nhau hoặc tới từ châu lục khác nhau. Riêng đối với ngành học cử nhân hoặc thạc sĩ bằng tiếng Anh khá mở cho sinh viên quốc tế thì có thể lấy 50%.
Mình giải thích vậy để các bạn sinh viên hiểu rằng tỷ lệ chọi khi nộp hồ sơ vào rất cao, đặc biệt đối với ngành được chuộng và trường đại học danh tiếng. Đặc biệt với các chương trình trường đề rõ là NC hoặc Beschränkung (giới hạn chỉ tiêu) .Các bạn cần nghiên cứu kỹ số liệu về các ngành NC theo từng năm để xem số điểm trường chọn sinh viên ở khoảng nào. Thường các trường đại học có công bố trên trang chủ của trường hoặc bạn cũng có thể theo dõi một cách dễ dàng về ngành học và các trường Đại học nói chung tại các trang như Studis-online hoặc NC-Werte  Vậy nên giải pháp an toàn với các bạn lực học tầm trung là nên chọn nộp thêm vào các  chương trình học có đề Zulassungsfrei.

III. Hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước

Khi bạn đang tìm hiểu về ngành học và trường Đại học muốn nộp hồ sơ, hãy tìm kiếm những sinh viên đang theo học tại trường đó. Những bạn sinh viên đi trước sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện và thực tế hơn về chương trình học, lợi thế và cả những khó khăn của ngành học.

Bạn có thể tìm họ qua Danh sách hội sinh viên Đức theo thành phố được tổng hợp bởi Hội sinh viên Việt Nam tại Đức.

IV. Thăm trường đại học

Nếu bạn đang ở Đức học dự bị hoặc học tiếng, hãy tranh thủ thời gian rảnh rỗi tới thăm các trường đại học bạn định nộp hồ sơ vào trong tương lai. Mỗi trường đại học đều có những ngày mở cửa gọi là “Tag der offenen Tür” dành cho các học sinh năm cuối cấp 3 và phụ huynh tới thăm. Trong dịp này bạn sẽ dễ dàng có cơ hội gặp gỡ giảng viên và sinh viên trong trường Đại học hoặc dự giờ giảng mẫu trên giảng đường.

IMG_4091

Ngoài ra các trường đại học có những ngày mở cửa để thông báo những công trình nghiên cứu của họ rộng rãi tới toàn thể mọi người giống như Dies Academicus của Đại học Tổng hợp Bonn diễn ra một lần mỗi kỳ / hai lần 1 năm.

Mình đã có dịp tới thăm quan được 8 trường đại học trên nước Đức lý do tham dự thi đầu vào, đi thăm bạn bè, người thân, hoặc từng theo học và gắn bó.

Goethe-Universität Frankfurt.
Johannes Gutenberg-Universität Mainz
Universität Mannheim
Universität zu Köln
Rheinische Friedrich-Wilhelms-Universität Bonn
Universität Stuttgart
Universität Hohenheim
Eberhard Karls Universität Tübingen.

Thường là nhiều lúc đi du lịch- thăm bạn bè mình kết hợp tới thăm các trường đại học ở Đức vì nói thật là nhiều trường Đại học đẹp lắm. Thường mình tới thăm các đại học tổng hợp (Uni) chứ chưa có cơ hội ghé thăm các đại học ứng dụng hay kinh tế (FH/TU) vì lý do ngành học của mình thuộc khối xã hội nên chỉ học tại các Uni chủ yếu.

Gắn bó nhất thì với Uni Bonn và Tübingen, hiện mình đang theo học tại Uni Tübingen. Ai có dịp ghé chơi Tübingen mình sẽ mời ăn bánh và uống cà phê tại trường nhé.

uni tue
Ảnh : Eberhard Karls Universität Tübingen

V. Quan điểm về việc chọn ngành chọn trường của các sinh viên khác.

Em My – sinh viên trường Đại học Universität zu Köln

Đúng là nên tham khảo NC-Werte để coi ngành mình học ở mức độ nào. Các bạn nên nghiên cứu cái này nhằm vạch ra đc hướng phấn đấu cho kết quả trên stk hay kì thi dsh v…v…tuy nhiên điểm NC chỉ dừng ở mức độ tham khảo vì điểm này chỉ dành cho những ai thi Abitur bên đức. Thường là 20% cho những ai điểm tốt nhất, 20% theo thời gian Wartesemester, 60% theo Durchschnittsnote. Đối với sinh viên nước ngoài thì các trường sẽ đánh giá theo tiêu chí riêng và họ vergeben 8-10% số chỗ như chị Ngân nói. 8-10% này được các trường tính riêng từ trước nằm trong số chỗ dành cho một số nhóm người đặc biệt (Vorabquote) và sv nc ngoài là một trong số đó. Sau khi trừ đi cái Vorabquote thì số chỗ còn lại trao cho sv có abitur theo tiêu chí mình nói bên trên.

Anh Trung – cựu sinh viên trường Đại học Otto-von-Guericke-Universität Magdeburg

Kinh nghiệm của anh trong việc chọn ngành chọn trường thì: 1. Về chọn trường: có lẽ nên chọn các trường tầm tầm thôi, đừng chọn học ở các trường hàng đầu nước Đức (vì học ở các trường ý chả biết mấy chục mùa quýt nữa mới ra được trường smile emoticon ) Còn chọn ngành thì đừng nghe ai cả, cứ ngành nào mình thấy thích và cảm thấy phù hợp với khả năng tư chất của mình thì chọn ( Bởi vì ví dụ bạn nghe ai đó khuyên để mà chọn ngành, kiểu như học ngành A này thì sau này dễ xin việc, vậy sau 5 năm nữa thị trường có giống bây giờ đâu và cái ngành A bây giờ hot thì sau 5 năm nữa có khi nó đóng băng rồi. Hơn nữa người ta khuyên bạn học ngành A ý, nhưng mà bạn chả phù hợp tí nào với cái ngành A ý, thì học làm gì) Cứ nhớ: Học ngành gì cũng ok, miễn luôn là người đứng đầu, ko đứng đầu được thì cũng phải trong Top đầu, là sẽ làm ko hết việc .

Các bạn có mong muốn theo học Ngành học nào và trường Đại học nào? Mong là các bạn sinh viên có đủ khả năng để tự quyết định hướng đi của bản thân. Chúc các bạn có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp !

Comments

comments