• Germany

Du học Đức và những thử thách(1)

Như các bạn đã biết du học Đức miễn phí đối với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì việc chu cấp tiền ăn , ở, bảo hiểm ..v..v là một vấn đề lớn. Trên nước Đức có rất nhiều du học sinh đi làm thêm để cố gắng tự chi trả chi phí sinh hoạt.

Mình xin chia sẻ một bài viết rất xúc động, chân thật của một cựu du học sinh Đức (Anh Vinh – iDeutsch) đã trải qua và thành công trên nước Đức sau những tháng ngày vừa học vừa làm vất vả. Anh Vinh từng theo học tại TU Dresden từ bậc học đại học tới thạc sĩ. Hiện nay anh đang làm quản lý dự án tại một tập đoàn lớn ở Đức, tập đoàn ThyssenKrupp.

Facebook anh Vinh : https://www.facebook.com/thibibanh?fref=ts

Nhà mình cũng không có tiền, bố mẹ thì đã về hưu cả và cũng phải vay mượn để lo cho mình tiền ăn ở năm đầu tiên. Sau đó mình sẽ phải tự lập hoàn toàn, vì bố mẹ cũng chẳng còn tiền mà gửi, nhà thì cũng đã thế chấp để vay tiền. Bố mẹ đã cảnh báo trước nhưng mình vẫn đánh liều, quyết tâm đi cho bằng được.

Khi mới sang đến Đức, không một người thân, không có đường lùi, những năm đầu mình đã rất căng thẳng vì phải lo kiếm tiền để tự trang trải cuộc sống và trả nợ cho bố mẹ nhiều hơn là tập trung vào học tập. Công việc làm thêm, thượng vàng hạ cám, từ bồi bàn, phụ bếp, quét rác đến giúp việc trong các nhà máy của Đức, mình làm tất, miễn là kiếm ra tiền. Nhiều năm liền mình không có khái niệm về các ngày cuối tuần và kì nghỉ. Vì đó với mình là những khoảng thời gian quí giá để… đi cày. Việc về Việt Nam thăm gia đình và bạn bè trở thành một giấc mơ xa xỉ.

Nhìn lại quãng đường13 năm ở Đức mà mình đã đi qua, những mảnh đời du học sinh mà mình được tận mắt chứng kiến hoặc nghe kể lại, quả thực có muôn vàn khó khăn và thử thách. Nhất là đối với những thanh niên mới 19- 20 tuổi, mới thoát li khỏi sự bao cấp của bố mẹ, chưa va chạm, chưa nhiều trải nghiệm với cuộc sống, và “ngay cả nồi cơm có khi cũng không biết đằng nấu”, thì việc xa ngã và đi lệch hướng là rất dễ xảy ra. Bản thân mình cũng không ít lần cảm thấy mệt mỏi, mất phương hướng và muốn buông xuôi tất cả. Không ít lần đứng trước tình huống giấy phép cư trú có nguy cơ không được gia hạn và phải quay về Việt Nam hoặc sống lưu vong bất hợp pháp.

Vượt qua tất cả những khó khăn ban đầu ấy, mình đã may mắn hoàn thành được tấm bằng Master và giờ có một công việc ổn định trong một tập đoàn lớn của Đức.

Nếu mình được phép cho các bạn trẻ sắp đi du học một lời khuyên, thì theo kinh nghiệm của bản thân, mình thấy những yếu tố sau rất quan trọng trong sự thành công của một du học sinh:

1. Học thật tốt tiếng bản địa và trong trường hợp này là tiếng Đức.
Lưu ý phải đặc biệt chú trọng việc phát âm cho thật chuẩn. Khi giao tiếp với người bản địa, không cần biết bạn giỏi đọc và viết đến đâu, nếu bạn phát âm chuẩn sẽ tạo được thiện cảm và từ đó có thể dễ dàng kết bạn với họ để luyện tiếng và tìm hiểu văn hóa của họ. Sau nay học xong ra đi làm, lương cao hay thấp cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ngôn ngữ của các bạn. Ví dụ thời còn sinh viên, khi mới sang, tiếng Đức còn kém, thì mình chỉ kiếm được những công việc chân tay đơn giản, lương thấp như phụ bếp, quét rác… Sau mỗi năm mình cố gắng học tiếng Đức và càng ngày càng kiếm được việc nhẹ và lương cao hơn như bồi bàn hay đi làm trong các nhà máy của Đức, giúp việc cho giáo sư trong trường đại học… Khi ra trường và đi kiếm việc làm, một anh bạn người Trung Quốc của mình, về mặt kĩ thuật có khi còn giỏi hơn mình, nhưng chỉ vì kém tiếng Đức mà mức lương nhận được chỉ bằng 60% của mình. Các bạn thấy đấy ngôn ngữ luôn là chìa khóa dẫn tới thành công!

2. Phát triển kĩ năng tự học.
Thời còn chập chững mới học tiếng Đức mình đã lên viện Goethe mượn băng đĩa về nghe và học thuôc lòng các bài hát các đoạn hội thoại và về nhà đứng trước gương cố gắng học thuộc và phát âm lại sao cho thất giống với người Đức mới thôi. Đến khi đi học đại học ở Đức, do phải đi làm thêm nhiều nên việc bỏ tiết không phải là hiếm. Vì vậy việc tự học rất quan trọng. Ngày nay Internet phát triển nên việc lên Google, Wikipedia tìm kiếm tài liệu và eBooks không phải quá khó khặn Ngoài ra các bạn nên tận dụng các diễn đàn của sinh viên Đức để vào đó trao đổi mỗi khi có vấn đề gì không hiểu. Kiếm 1 nhóm bạn sinh viên Đức để học nhóm cùng và luyện tiếng Đức. Khi bạn có vấn đề gì không hiểu hoặc không theo kịp tốc độ giảng bài của giáo sư, thì các bạn Đức sẽ giảng lại bài cho các bạn.

3. Phải thật năng động, và cố gắng nhanh chóng hòa đồng với cuộc sống của người bản địa.
Các bạn nên hạn chế thời gian chơi với bạn Việt Nam mà nên dành nhiều thời gian làm quen với các bạn Đức và tìm hiểu về cuộ sống, văn hóa và luật pháp của họ. Các bạn hãy mạnh dạn lên. Người Đức thường lạnh lùng và khó gần, nhưng khi thành bạn bè thì họ rất tốt và luôn giúp đỡ tận tình.

4. Không được bỏ cuộc và rẽ ngang mỗi khi gặp khó khăn.
Khi các bạn đặt ra một mục tiêu hãy cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đó rồi hãy đề ra mục tiêu mới. Không nên đứng núi nọ trông núi kia, hãy cố gắng học tập làm việc chăm chỉ, thành công nhất định sẽ tới với các bạn.

Con đường du học hết sức chông gai, vì vậy các bạn hãy cân nhắc thật kĩ về tình hình tài chính của gia đinh, về khả năng học tập và chống chọi trước khó khăn của bản thân khi một mình ở nơi xứ người, sau đó hãy đưa ra quyết định đúng đắn và phải luôn cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Chúc các bạn thành công và iDeutsch Team sẽ luôn sát cánh để hỗ trợ các bạn.

Thân!
Vinh – iDeutsch Team

Comments

comments