• Germany

Chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức tại Đức (1)

Chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức tại Đức (1) : Chống sốc và ảo tưởng !

Ở nhà thi đỗ bằng B1 nào loại khá hay thậm chí loại giỏi là oai lắm chứ, vậy mà thời gian đầu đặt chân tới Đức nghe người Đức nói chả hiểu gì hết, nghe như vịt nghe sấm…đây là chuyện bình thường thôi nên đừng run hehe

Còn liệu cứ phải sang Đức học là tiếng Đức sẽ tự nhiên giỏi vì có môi trường để giao tiếp và thực hành và được học giáo viên bản ngữ? Bài này mình viết lâu từ hồi mới qua Đức học, bây giờ post lại và chỉnh sửa lại chút. Đối với mình tiếng Đức vẫn là một ngôn ngữ rất khó nhằn (dù học xong trình C1) và mình viết bài trên quan điểm chung của người học tiếng Đức (chứ không phải thần đồng ngôn ngữ)


1) Phương pháp dạy học bên Đức và chất lượng các trung tâm ngoại ngữ bên Đức
Các giáo viên bên Đức thường chú trọng dạy theo giáo trình. Giáo viên chỉ cần đảm bảo dạy xong chương trình của trung tâm còn bạn đỗ kỳ thi B1/dự bị /DSH hay không là phụ thuộc vào bạn…và không giáo viên nào có thể sửa chi li lỗi phát âm và lỗi ngữ pháp liên tục cho bạn cả. Học trung tâm ngoại ngữ tư nhân thì đắt đỏ và giáo viên không quan tâm nhiều được tới học sinh. Trung tâm tư nhân nào mà có giá cực rẻ thì chất lượng học càng không được đảm bảo. (trung tâm rẻ nhất mình học ở Köln cũng có giá lên tới 240 Euro/ tháng) Mình nghe các bạn khác kể tình hình học ở trung tâm tiếng Berlin hay Frankfurt cũng không khả quan là bao. Nếu muốn có giáo viên quan tâm thì phải thuê giáo viên dạy kèm 22 Euro/giờ thì mới khả quan lên được vì như bạn trả tiền cho gia sư vậy – người ta dạy khác hẳn.

Khi bạn có bằng B1 hoặc trình độ trở lên rồi có thể nộp thẳng vào đại học để học DSH trong đại học thì phương pháp dạy học có bài bản (đội ngũ giáo viên có trình độ và được tuyển chọn) mà giá cả rẻ hơn nhiều. Đối với trường hợp phải thi dự bị thì nên học tốt lên đến B2 để sang Đức thi đỗ luôn thì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền bạc và thời gian (bạn chỉ được ở Đức học tiếng và thi dự bị trong 1 thời gian nhất định nếu không đỗ hay học xong sẽ không được gia hạn và buộc phải về nước.

Cách thức nộp hồ sơ cho sinh viên đã học xong đại học , hoặc học hết đại học năm 2 cần sang Đức học tiếng thi đỗ kỳ thi DSH.(Deutsche Sprachprüfung für den Hochschulzugang) – Kỳ thi tiếng Đức cho các trường đại học.

http://wp.me/p4RanR-5Z

Dù học ở đâu, mình đồng ý là học giáo viên Đức dạy bạn được rèn luyện khả năng nghe và phản xạ tiếng Đức.

2) Môi trường học bên Đức và những ảo tưởng.
a) Qua vài tháng là bạn nói nhanh như gió và phát âm chuẩn?

Nếu giáo viên không sửa cho bạn phát âm ,bạn chỉ quanh quẩn ở trên lớp vài tiếng đồng hồ và không phải lúc nào cũng được học nói thì liệu bạn nói tốt hơn được. Khi tan học bạn sẽ đi đâu để luyện tiếng Đức ? ??
–>Ngôn ngữ cơ bản trong cuộc sống hàng ngày thường rất đơn giản quanh quẩn như đi mua đồ ăn và siêu thị.

Ngôn ngữ thi cử cho bậc đại học đẳng cấp hoàn toàn khác so với ngôn ngữ hàng ngày. Bạn cần những từ vựng học thuật về nhiều chuyên ngành : khoa học, kỹ thuật, lịch sử, xã hội…v…v

Chuyện học phát âm chuẩn thì cũng không thể ngày một ngày hai được mà phải trải qua quá trình rèn luyện. Nhiều người học tập và làm việc ở Đức lâu cũng không thể phát âm chuẩn như người Đức. Thế nên bạn cũng chỉ cố gắng phát âm làm sao để cho người Đức dễ nghe hơn và đúng, đỡ bị biến thành từ khác.


b) Mình có anh chị họ bên Đức, họ tiếng giỏi lắm có thể giúp – hay bạn mình ở Đức lâu năm tiếng rất giỏi sẽ giúp mình học ???
–>Bạn đừng mơ mộng sang Đức sẽ được người thân dạy tiếng Đức hay bạn bè giúp bạn học tiếng. Mình cũng từng mong như vậy đó vì mình có cả em họ sinh ra ở Đức này- bạn học ngành Đức ngữ hay ngôn ngữ học. Thế nhưng ai cũng bận bịu với cuộc sống và công việc của họ chứ không có thời gian rỗi mà dạy học miễn phí đâu.Tự lực cánh sinh thôi nhé !


3) Sang Đức rồi sẽ quen nhiều bạn Đức và được giúp đỡ ?

Giả sử như đang ngồi ăn ở quán ăn hay đi tàu là sẽ có bạn Đức xinh xắn/ đẹp trai đến xin làm quen- tự nguyện giúp đỡ học hành- đưa đi chơi???


–> Thật đáng tiếc là người Đức cực hạn chế thiết lập mối quan hệ với người lạ đặc biệt là người nước ngoài. Đi trên đường không ai tò mò về ai và họ cứ thẳng đường mà đi thôi. Ngoài ra không ai có mấy hứng thú nói chuyện với người mà tiếng Đức nói rất hạn chế và nói lắp bắp. Trong thời gian đầu bạn học tiếng thì khó có cơ hội tiếp xúc với người Đức và bạn Đức hơn. Nếu bạn không biết tiếng Anh rất giỏi hoặc tiếng Đức giỏi sẽ gặp nhiều khó khăn với việc làm quen với sinh viên Đức/ người bản xứ. Đến ngay trong trường đại học sinh viên Đức cũng không hay chủ động với sinh viên nước ngoài đâu, nếu bạn hỏi họ sẽ trả lời lịch sự, còn để thân được và được họ giúp học tiếng thì khá hiếm.

4) Học xong dự bị và thi đỗ DSH, tiếng Đức của bạn đã siêu phàm ?

Thực tế là sau khi học xong dự bị hoặc đỗ kỳ thi DSH (tương đương trình độ C1 tiếng Đức trở lên) thì bạn mới có thể hiểu cơ bản về tiếng Đức, đến khi vào học rồi bạn cần trang bị vốn tiếng Đức chuyên ngành. Ngoài ra khi các giáo sư Đức giảng bài thì cũng rất nhanh và sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Điều này khác hẳn khi bạn học dự bị thì học cùng với sinh viên nước ngoài nên thầy cô nói chậm, hoặc ôn thi DSH thì thầy cô đọc chậm, rõ vừa phải, nghe băng cũng chuẩn và rõ hơn. Chính vì vậy trong khoảng 1-2 năm học đầu tiên của đại học sinh viên Việt Nam thường gặp nhiều vất vả khi nghe giảng. Việc viết Hausarbeit (bài luận tiếng Đức) cuối học kỳ dài từ 10 đến 15 trang rồi phải đọc nhiều sách tiếng Đức tham khảo thực sự là rất vất vả, có khi cần sự trợ giúp của sinh viên Đức để chỉnh sửa lỗi ngữ pháp, cách viết câu sao cho chuẩn và dễ hiểu rồi mới dám nộp lên cho giáo sư.

Nếu muốn nghe các bài giảng mẫu của các giáo sư bên Đức các bạn lên Youtube hoặc website của trường đại học nhé. Các trường đại học thường ghi lại các bài giảng để sinh viên có thể về nhà xem lại trên mạng.


Mong các bạn khi còn ở Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng đặc biệt là học tốt tiếng Đức để chống sốc khi đặt chân sang Đức.

Comments

comments