• Germany

Sinh viên quốc tế ở Đức (P1)

Khi bạn tới Đức với diện sinh viên học tiếng hay dự bị, bạn sẽ trải qua thời gian đầu học chung với sinh viên quốc tế . Điều này là hiển nhiên tại các trung tâm tiếng tư nhân, của trường đại học và các trường dự bị đại học thì bạn đều học cùng sinh viên nhiều nước trên thế giới. Đây là bước đệm rất tốt giúp bạn cải thiện vốn tiếng Đức và được biết thêm về nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nhưng cũng có nghĩa là bạn ít có cơ hội xây dựng tình bạn với sinh viên Đức trong thời gian đầu và thực ra thì đa số các bạn sinh viên tiếng hay dự bị cũng mong là được trò chuyện cùng bạn Đức hơn để cải thiện vốn tiếng Đức

945934_10201583552289461_641484129_n

Tất nhiên trong các trường dự bị đại học có thể có vài sinh viên Đức, lý do là những bạn này tốt nghiệp cấp ba ở nước ngoài và khi về nước bằng của họ không được công nhận (ví dụ học trao đổi tại Mỹ năm cấp 3 và muốn về Đức học đại học). Lúc này họ sẽ buộc phải học dự bị hoặc là học lại một phần chương trình cấp 3 cho tới khi có thể tham dự kỳ thi Abitur. Có bạn nói là các bạn Đức học dự bị với các bạn nước ngoài để cho kiến thức vững thì là nghe hơi bị vô lý bởi đó chỉ là một phần câu chuyện thôi. Để đạt điểm Abitur cao vào đại học là một thử thách rất lớn với học sinh cấp 3 Đức. Chỉ những bạn học hệ Gymnasium, hệ thống trường cấp 3 tốt nhất kéo dài 12-13 năm với điểm số đạt loại khá mới tham dự thi Abitur. Kỳ thi Abitur gồm có 6 môn học và phải thi viết lẫn cả vấn đáp kéo dài trong 1 tháng. Như vậy với học sinh cấp 3 Đức đã tốt nghiệp cấp 3 từ nước ngoài thì việc học và thi Abitur rất khó  so với việc học dự bị đại học. Những bạn sinh viên Đức học cùng đại học với mình rất tự hào vì đã trải qua kỳ thi Abitur với điểm số Khá, Giỏi để vào đại học. Các bạn ấy cũng nêu ý kiến về việc thi cấp 3 ở Mỹ là chương trình nhẹ và không thể nào so với chương trình học của Đức. Ngoài ra như các bạn biết là việc học ở Đức tại các trường công lập danh tiếng là miễn phí nên chỉ dành cho sinh viên có học lực tốt chứ còn ở Mỹ thì phải đóng học phí rất nhiều nên phần đông là gia đình có điều kiện mới cho con cái học ở các trường đại học. (chỉ có số lượng rất ít sinh viên đạt học bổng toàn phần). Ngành mình học đại học bên Đức là về Hoa Kỳ Học nên có nhiều bạn Đức học cùng mình từng qua Mỹ học trao đổi. Thế nhưng họ vẫn về Đức để học lại cấp 3 và thi Abitur.

Mình cũng từng trải gia thời gian học tiếng Đức và quen với nhiều bạn sinh viên quốc tế. Hồi xưa ở ký túc xá của đại học Bonn thì trong một tầng có 21 sinh viên, 21 phòng thì may ra có học kỳ …chỉ có 1 sinh viên Đức. Ở các thành phố lớn thì ít sinh viên Đức ở ký túc hơn và họ thường thuê WG ở ngoài .Nói chung là mình nhận thấy sinh viên quốc tế phần đông là dễ nói chuyện và làm quen.

(Đây là trải nghiệm từ bản thân mình, và có tất nhiên sẽ có thể rất khác với từng bạn)

bonn 4

                                   Ảnh : Khu kí túc xá của trường đại học Bonn ở Am Wichelshof , Bonn

Phần 1: Sinh viên Châu Á

1) Sinh viên Trung Quốc

Ở Việt Nam thì nghe tin nào là Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa là tức hộc máu ý chứ. Cứ đinh ninh là du học mà thấy bọn Trung Quốc là không thèm chơi nhé. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc với sinh viên Trung Quốc mới thấy là họ rất dễ gần, không có máu chiến tranh như cái chính phủ Trung Quốc đâu :)) . Đi ra đường sinh viên Trung Quốc hay tưởng sinh viên Việt cũng từ Trung Quốc đến nên là hay nhận vơ, chạy ra tuôn một tràng tiếng Tàu, hoặc là sà vào ngồi cạnh trên xe buýt , trên tàu, có khi đang đi đường nhìn thấy mình cũng phải nháy mắt cười một cái. Các bạn Trung Quốc còn được cái là nhiệt tình và thích chia sẻ. Hôm mình đến đại học Bonn lơ ngơ như bò đội nón thì một bạn nam Trung Quốc kém tuổi mình cũng mới tới đây học, bạn ấy nhiệt tình đưa đi thăm quan trường và chỉ mẹo làm sao để xin được ký túc xá. Đúng là ở thành phố đông đúc sinh viên thì việc nộp đơn xin bằng email không ăn thua mà phải tới phòng sinh viên năn nỉ để có phòng ở. Lúc mình có phòng ở ký túc rồi thì trong tầng của mình có tới 5 bạn sinh viên Trung Quốc, phần đông là sinh viên trao đổi. Các bạn Trung Quốc rất thân thiện, hay cười nói, hỏi han quan tâm mình. Các bạn nam nữ Trung Quốc có ăn gì cũng mời mình và luôn hỏi xem mình có cần giúp gì không.

2) Sinh viên Hàn Quốc

Mình là một fan “hơi bị cuồng Kpop” nên là cực thích âm nhạc, món ăn, đất nước và mong có bạn bè Hàn Quốc lắm. Ở Việt Nam mình có quen nhiều bạn sinh viên Hàn Quốc rất tốt bụng từng qua Việt Nam du lịch và làm từ thiện. Khi sang tới Đức gặp các sinh viên Hàn Quốc mình hơi bị vỡ mộng.  Sinh viên Hàn Quốc mà qua Đức trao đổi thì đi du lịch tít mít có thể nay Đức, mai Pháp, ngày kia Anh rồi thêm Tây Ban Nha, Áo…vân vân.. Ngoài ra cũng toàn thấy tay xách nách mang hàng đống đồ hiệu sau khi mua sắm vào cuối tuần. Mình nghĩ phần đông các bạn sinh viên trao đổi này là con nhà khá giả hoặc cũng dạng đại gia đây nên kiểu này là không dễ chơi được rồi.

Nếu là người Đức gốc Hàn thì khác nhé. Mình từng gặp một bạn gái Hàn Quốc sinh ra và lớn lên tại gần Düsseldorf Đức, học ngành nghệ thuật tại Đại học Bonn. Cho dù chỉ quen nhau trên tàu mà bạn gái ấy rất là thân thiện và chúng mình còn lưu số điện thoại của nhau. Lúc rảnh rỗi mình còn đi ăn đồ Hàn Quốc với bạn ấy ở quán Hàn ngay sát đại học Bonn nữa. Trò chuyện cũng cô bạn này mình hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người Hàn ở Đức  ( họ sinh sống nhiều ở Düsseldorf và Frankfurt) , cũng như bạn đã phân tích cho mình hiểu hơn sự khác biệt văn hóa mà bạn cảm nhận khi về Hàn Quốc chơi.

bonn 3 bonn 2

Ảnh : Thưởng thức đồ ăn Hàn Quốc trong quán ăn Mandu, Bonn

Người bạn Việt khác của mình khi ở Frankfurt thì lại có duyên với sinh viên Hàn Quốc có lẽ do bạn ấy cao ráo, có ngoại hình bắt mắt, ăn mặc cũng khá sành điệu và trông không có giống người Việt Nam lắm hehe.

3) Sinh viên Nhật

Tương tự trải nghiệm của mình với sinh viên Nhật trao đổi tại Đức cũng không mấy tốt đẹp lắm. Một hôm đi học,mình thấy một cô gái châu Á ngồi một mình trong lớp học kế bên, trong lúc chờ vào học mình chạy ra làm quen hỏi. Tất nhiên là bạn ấy cũng trả lời và cho mình số điện thoại. Cũng rủ được bạn gái Nhật đi chơi ăn uống chung với cả người bạn Đức của mình nhưng thấy bạn không hứng thú nói chuyện với mình mà chỉ nói chuyện chủ yếu với bạn Đức. Huhu Về sau thì hẹn gặp bạn cũng không dễ nữa và toàn thấy bạn tải ảnh đi chơi cùng nhóm bạn Nhật hay bạn Đức.

4) Sinh viên Ấn Độ

Tiếp chuyện tới sinh viên Ấn Độ, cùng là dân châu Á nhưng nền văn hóa có khác xa nhiều so vơi Trung, Hàn, Nhật. Đúng là nhiều bạn Ấn hay ăn cà ri và nhiều bạn còn là dân ăn chay. Các bạn Ấn cũng rất chịu khó nấu ăn nữa. Mình hay nói chuyện cả mấy bạn Ấn Độ cũng đều có ấn tượng tốt đẹp về họ, về cả con trai lẫn con gái. Trong lúc nấu ăn thì các bạn Ấn Độ cũng hay nói chuyện tiếng Anh cả mình. Nhiều bạn qua đây học thạc sĩ bằng tiếng Anh nên không biết tiếng Đức mấy. Ấn tượng là đợt nghỉ lễ Karneval ở Bonn mình lại về Stuttgart chơi nên không ở Bonn tham dự và nhặt kẹo được. Bạn nam Ấn Độ tặng luôn mình vô số thứ đồ như bỏng ngô, kẹo, sô cô la vì bạn nói là một mình bạn ăn cũng không hết nên đem đi chia cho các bạn khác. Mình cũng nể phục bạn này vì dù bạn ấy không biết tiếng Đức nhưng học rất giỏi và đã xin được việc làm thêm với mức lương 13 Euro/giờ trong một viện nghiên cứu ở Bonn.

bonn1

Các bạn gái Ấn Độ thì cũng giỏi và đảm đang mình cũng từng được ăn vài món Ấn do một bạn gái Ấn nấu và mang tới lớp học tiếng. Đúng là ở Việt Nam suốt ngày thấy đăng tin tệ nạn hiếp dâm ở Ấn độ  nhưng nghe lời kể của bạn gái Ấn độ mình mới biết không phải là đến mức đó dù bạn sống ngay tại thủ đô New Delhi. Bạn ấy rất buồn khi hình ảnh của đất nước lại luôn bị bôi xấu trên mặt báo toàn thế giới về vụ việc này.

IMG_1516

                                                      Ảnh : Đồ ăn Ấn do bạn Shilpi nấu

5) Sinh viên Băng-la-đét (Bangladesh)

Khi gặp một bạn đến từ Băng-la-đét mình cứ ngỡ là nước này với Ấn Độ là một. Khổ, dốt địa lý quá đi mất làm bạn ấy tức ! hic… Mình chỉ hay đọc tin về đất nước này là nước nghèo chuyên gia công giá rẻ hàng may mặc cho các hãng quần áo giá bình dân như Primark, HM…v..v  Con gái truyền thống nước này thì sẽ đảm đang và còn đeo khăn nhưng bạn ấy rất sành điệu và có tư tưởng cực tây. ( cũng đi bar uống rượu bia ) Bạn sinh viên nữ này thì rất dễ nói chuyện và mỗi thi thấy mình ở giảng đường đại học là chạy ra chào và vẫy tay. Nếu rảnh rang thì bạn đi theo mình cũng bạn học người Việt để đi ăn hay uống cà phê ở căng tin trường.

Mong rằng thông tin trên có ích cho các bạn sinh viên sắp sang Đức du học. Trải qua thời gian học tiếng hay học dự bị bạn sẽ bước vào giảng đường đại học và xung quanh hầu như là sinh viên Đức hết. Thường các trường đại học ở Đức chỉ dành chỉ tiêu khoảng 10% cho sinh viên quốc tế, đặc biệt ở bậc học cử nhân thì ít sinh viên quốc tế còn sang bậc học thạc sĩ thì nhiều hơn một chút.

Comments

comments